Kiểm Tra Nhà Nước Về An Toàn Thực Phẩm Nhập Khẩu
Nguyên tắc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu với hàng hóa do Bộ Y tế quản lýBộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BYT ngày 19 tháng 9 năm 2024 ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Nguyên tắc áp dụng Danh mục được quy định như sau: - Trường hợp có sự khác biệt, không thống nhất trong việc phân loại và xác định mã số hàng hóa đối với các hàng hóa thuộc Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này, việc xác định mã số hàng hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. - Đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chưa được liệt kê và xác định mã số hàng hóa trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này, việc xác định mã số hàng hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Sau khi thông quan, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu có văn bản gửi về Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để làm cơ sở phối hợp với Bộ Tài chính xem xét thống nhất, cập nhật và ban hành Danh mục bổ sung. - Việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm được thực hiện như sau: + Đối với hàng hóa có tên trong Danh mục: thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật an toàn thực phẩm và Điều 16 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. + Đối với hàng hóa không thuộc Danh mục nhưng không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có) hoặc có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất: áp dụng phương thức kiểm tra chặt theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 17 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan thời điểm áp dụng, dừng áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các trường hợp này. - Các trường hợp thực phẩm nhập khẩu sau thuộc đối tượng miễn hoặc không thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm: + Hàng hóa có tên trong Danh mục nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm); + Hàng hóa có tên trong Danh mục nhưng không nhằm mục đích sử dụng làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; + Hàng hóa là dụng cụ, vật liệu bao gói có tên trong Danh mục nhưng không chứa đựng và không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; + Hàng hóa không thuộc Danh mục, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Thông tư này. - Đối với Phụ gia thực phẩm hỗn hợp mà thành phần có từ hai (02) chất phụ gia thực phẩm trở lên có tên trong Danh mục, mã HS của hàng hóa được xác định theo sáu (06) quy tắc phân loại tổng quát ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Thông tư cũng nêu rõ, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 11 năm 2024. Thông tư số 28/2021/TT-BYT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phục vụ cho kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, nguyên liệu nhập để gia công, sản xuất, xuất khẩu và sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu chuyển tiêu thụ nội địa:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 7 Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì “Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước” thuộc diện miễn thủ tục tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.
Trong quá trình triển khai quy định nêu trên phát sinh 02 vấn đề như sau:
– Vấn đề thứ 1: Sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu dùng để phục vụ sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân (sản phẩm sản xuất ra để tiêu thụ nội địa) có được miễn tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm hay không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có các văn bản trao đổi với các bộ và nhận được ý kiến của các bộ tại các văn bản: 6329/BYT-ATTP ngày 24/4/2018 của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, 9150/BCT-KHCN ngày 09/11/2018 và công văn số 3474/BCT-KHCN ngày 17/5/2019 của Bộ Công Thương, 8367/BNN-QLCL ngày 25/10/2018 và 3581/BNN-CLCL ngày 23/5/2019 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.
Căn cứ theo Điều 61 Luật An toàn thực phẩm giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm, do vậy, trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn Cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất như sau:
Đối với sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu dùng để phục vụ sản xuất bao gồm: sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất để tiêu thụ nội địa hoặc gia công cho đối tác nước ngoài (sản phẩm, nguyên liệu không tiêu thụ tại thị trường trong nước) được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 7 Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
– Vấn đề thứ 2: Đối với sản phẩm (được sản xuất ra từ sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu được miễn tự công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm) khi tiêu thụ nội địa thì việc quản lý an toàn thực phẩm như đối với hàng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu?
Đối với vấn đề này, phát sinh 2 trường hợp:
(i) Trường hợp là sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu: Theo mục đích khai báo ban đầu, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm, nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu tức là sản phẩm sản xuất ra để xuất khẩu nhưng sau đó doanh nghiệp thay đổi mục đích, không xuất khẩu mà tiêu thụ sản phẩm đầu ra tại thị trường trong nước.
Theo quy đinh của pháp luật hải quan, doanh nghiệp được chuyển mục đích tiêu thụ nội địa và phải thực hiện chính sách thuế và chính sách mặt hàng theo quy đinh tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 (được sửa đổi bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP).
Theo đó, khi chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hải quan và áp dụng chính sách thuế, chính sách mặt hàng tại thời điểm mở tờ khai mới (tức là phải thực hiện chính sách mặt hàng đối với hàng nhập khẩu quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
+ Về chính sách về thuế đã được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC và không có vướng mắc trong quá trình thực hiện.
+ Về chính sách mặt hàng: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP không quy định cụ thể đối với trường hợp hàng gia công sản xuất xuất khẩu khi chuyển tiêu thụ nội địa mà chỉ quy định việc quản lý an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu. Việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đổi với trường hợp này không đáp ứng trình tự thủ tục quy định tại Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (trước hoặc khi hàng về đến cửa khẩu chủ hàng phải nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra trong khi hàng được sản xuất tại Việt Nam).
Theo đó, khó khăn cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa.
(ii) Trường hợp sản phẩm sản xuất ra từ sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ theo mục đích khai báo của doanh nghiệp (không phải gia công, sản xuất xuất khẩu) thì khi tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan, theo đó không phải tuân thủ chính sách mặt hàng đối với hàng nhập khẩu như nêu tại điểm (i) dẫn trên.
Như vậy, có sự ứng xử chưa thống nhất giữa sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu và sản phẩm ngay từ khi nhập nguyên liệu đã xác định là sản xuất trong nước, vì cùng đều được sản xuất từ sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu được miễn kiểm tra ATTP nhưng khi tiêu thụ sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu tại thị trường trong nước thì bị áp dụng chính sách mặt hàng khác nhau.
Do vậy, ngày 30/8/2023 Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp trao đổi với đại diện của Bộ Y tế, Bộ NN & PTNT, Bộ Công Thương về vướng mắc nêu trên và thống nhất như sau:
Đối với sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu (được sản xuất từ sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu doanh nghiệp khai báo để gia công hoặc sản xuất để xuất khẩu) nhưng không xuất khẩu mà chuyển tiêu thụ nội địa thì việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm thực hiện theo các thủ tục quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, không thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm như đối với thực phẩm nhập khẩu quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;
Cơ quan hải quan chỉ thực hiện các biện pháp quản lý thuế, việc áp dụng chính sách mặt hàng do Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện như đối với hàng hóa sản xuất trong nước.