Xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế toàn cầu

Yêu cầu ngày càng cao với hàng nhập khẩu

Ngày 01/05/2021, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc (UKVFTA) chính thức có hiệu lực. Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Sơn Trà, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), với những thuận lợi từ những cam kết có được trong khuôn khổ FTA song phương giữa hai bên đã có tác dụng rất tốt đến việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa 2 nước, theo đó, Vương quốc Anh đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, chỉ sau Hà Lan và Đức.

Hội thảo chuyên đề nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và Anh tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ UKVFTA đặc biệt trong lĩnh vực thương mại xanh và công bằng đã được tổ chức Hà Nội.

Tuy vậy, là một FTA thế hệ mới, hiệp định UKVFTA đưa ra rất nhiều các cam kết liên quan đến thương mại và phát triển bền vững. Ngoài UKVFTA, Chính phủ Anh cũng ban hành một số các biện pháp, chính sách để thúc đẩy hơn nữa yếu tố về thương mại và phát triển bền vững áp dụng đối với hàng hóa được sản xuất tại Anh cũng như các hàng hóa được nhập khẩu từ các nước khác vào thị trường Anh.

Ví dụ, các quy định áp thuế đối với bao bì nhựa, tức là phải đóng thuế nếu như sản xuất hoặc nhập khẩu thành phần đóng gói nhựa chứa ít hơn 30% nhựa tái chế. Gần đây nhất, Chính phủ Anh ban hành các quy định cấm đối với hàng hóa mà trong quá trình sản xuất có thể gây hại đối với tài nguyên rừng hoặc dẫn tới việc phá rừng.

Những quy định như vậy cũng ảnh hưởng rất nhiều đối với việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh. Đơn cử như thủy sản, khi xuất khẩu sang thị trường này, phía Anh không chỉ quan tâm đến chất lượng thủy sản, có dư lượng thuốc kháng sinh vượt quá mức cho phép hay không mà họ còn quan tâm đến truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thủy sản đấy có phải được đánh bắt từ nguồn bất hợp pháp hay không.

“Với những quy định như vậy, doanh nghiệp sẽ phải để ý hơn rất nhiều để có những điều chỉnh phù hợp trong quy trình sản xuất để đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu,” bà Trà nói.

Thực tế, xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng mạnh và đã được cả Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng dân cư ở Anh coi như một trong những giá trị, yêu cầu rất quan trọng.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin thêm, Anh là một trong những thị trường có tiêu chuẩn cao nhất thế giới về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, gần đây là một trong những quốc gia tiên phong về chống biến đổi khí hậu.

Những quy định về chống biến đổi khí hậu đã được chuyển hóa vào trong chính sách thương mại của Vương quốc Anh và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thâm nhập thị trường.

Hơn nữa, ở thị trường Anh thì có một bộ phận lớn người tiêu dùng có thu nhập cao và sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm xanh hơn và những sản phẩm sạch hơn. Như vậy kể cả trường hợp giá bán sản phẩm cao hơn trước đây, chi phí sản xuất cao hơn, nhưng sản phẩm đó vẫn có thể được hoan nghênh tại thị trường này.

Đặc biệt, khi chủ trương thúc đẩy một nền kinh tế xanh, thương mại xanh, Chính phủ Anh cũng kèm theo những công cụ hỗ trợ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội được những quỹ đầu tư của Anh và một số tổ chức tài chính tín dụng hay các tổ chức về bảo hiểm tín dụng đầu tư ưu tiên cấp vốn.

Xây dựng mô hình hệ sinh thái theo từng ngành

Thực tế cho thấy các chính sách thương mại xanh hiện nay không chỉ có tính thời sự mà là một xu hướng lâu dài.

Tiến sỹ Lê Huy Huấn, Điều phối viên Chương trình Tăng trưởng Xanh và Biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG Việt Nam) cho hay có hơn 70 quốc gia đã đưa các tiêu chuẩn xanh vào trong các hoạt động thương mại của mình. Trong đó Vương quốc Anh là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng và thúc đẩy triển khai các chính sách thương mại xanh.

"Với các tiêu chuẩn bền vững, khi doanh nghiệp đáp ứng được sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trên phạm vi toàn thế giới, gia tăng thị phần. Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp không thích ứng được sẽ mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và do vậy cũng mất đi lợi thế cạnh tranh," ông nói.

Bà Nguyễn Thị Huyền, CEO của Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ với mô hình đã định hình từ ban đầu là hợp tác theo mô hình chuỗi giá trị và kiểm soát chất lượng từ vùng nguyên liệu, cũng như tuân thủ theo bảy nguyên tắc bảo tồn đa dạng sinh học thông qua mô hình kinh doanh của mình, do đó mặc dù sản lượng xuất khẩu vào thị trường Anh không phải quá lớn nhưng Vinasamex đã trở thành nhà cung cấp của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Anh.

Tuy nhiên, để tham gia các thị trường lớn, đặc biệt là Vương quốc Anh, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí về marketing hay tham gia hội chợ thì mới có thể đến đây để tìm kiếm khách hàng. Do đó, đại diện Vinasamex kiến nghị Bộ Công Thương, các tham tán thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại để có thể tham gia những hội chợ tiềm năng thực sự.

Ngoài ra, bà Huyền kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng những chính sách dành cho những doanh nghiệp hướng tới mô hình phát triển bền vững, như: tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ cho mô hình theo chuỗi giá trị với lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đầu tư vào hệ thống máy móc, công nghệ hay hướng tới một mô hình kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

“Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng xây dựng công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số để đảm bảo tất cả những nhật ký sản xuất hoặc nhật ký vùng nguyên liệu khi người dân chăm sóc hay trồng cây có thể cung cấp nhanh chóng và minh bạch, khi đó chắc chắn sẽ có những cơ hội cạnh tranh,” bà Huyền kiến nghị thêm.

Để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng để làm sao thúc đẩy thương mại xanh và phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Sơn Trà, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin, Bộ Công Thương đang xây dựng mô hình hệ sinh thái theo từng ngành. Ví dụ với ngành quế hồi, đang xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành quế hồi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn sang các thị trường, các nước đối tác.

Trong hệ sinh thái đấy sẽ có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan xây dựng chính sách thương mại và các cơ quan cung cấp thông tin, các thương vụ của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất doanh nghiệp cung cấp các nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Trong chuỗi hệ sinh thái đó sẽ có những trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau theo từng lĩnh vực và tạo ra một sức mạnh lớn, những bàn đạp vững chắc để giúp doanh nghiệp có thể tự tin hơn trong việc đem hàng hóa của mình mang ra thị trường quốc tế bảo đảm đáp ứng được các tiêu chuẩn, các yêu cầu về thương mại và phát triển bền vững sang các thị trường nước ngoài.

“Hy vọng trong thời gian tới, những biện pháp đó được lan tỏa hơn nữa sang nhiều ngành hàng khác nhau để có sự lan tỏa, giúp đỡ nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Vương quốc Anh,” bà Nguyễn Sơn Trà cho biết thêm./.